Sâu răng hàm: nguyên nhân và cách phòng ngừa
Dấu hiệu ban đầu của sâu răng hàm là xuất hiện những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt răng, sau đó lan rộng thành từng mảng nâu đen, dần dần ăn sâu vào tủy. Hiểu được nguyên nhân gây nên tình trạng sâu răng hàm, bạn sẽ có cách ngăn ngừa để giữ cho răng luôn chắc khỏe.
Vì sao răng hàm dễ bị sâu?
Răng hàm là khu vực dễ bị sâu răng nhất do răng nằm ở vị trí cuối trong khoang miệng. Các rãnh của răng hàm tạo thành một vị trí thuận lợi để thức ăn bám vào và phát triển thành vi khuẩn sâu răng. Ngoài ra, do răng hàm có nhiệm vụ nghiền thức ăn nên men răng dễ bị bào mòn và suy yếu theo thời gian.
Răng hàm là chiếc răng đóng vai trò quan trọng nhất trong khoang miệng, do đó bạn không nên để sâu răng hàm trở nên nặng đến mức phải nhổ bỏ răng. Khi đó, chi phí hồi phục răng không chỉ tốn kém mà quy trình trồng răng cũng phức tạp hơn.
Vì sao phải điều trị sâu răng hàm sớm?
Nếu không được điều trị kịp thời, sâu răng hàm có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
- Men răng bị phá hủy: Khi các lỗ sâu phá hủy răng, men răng cũng bị tiêu diệt hết, khiến ngà răng lộ ra ngoài, gây nên tình trạng ê buốt răng.
- Tủy răng bị nhiễm trùng: các túi áp xe sẽ hình thành, chân răng sưng tấy, gây ra hôi miệng.
- Sâu răng quá nặng sẽ làm tiêu xương ổ răng, ảnh hưởng đến các răng xung quanh.
Nguyên nhân gây sâu răng hàm
Miệng của chúng ta chứa đầy vi khuẩn. Có hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau sống trên răng, nướu, lưỡi và những nơi khác. Trong khi một số loại vi khuẩn rất hữu ích thì phần lớn vi khuẩn là có hại, đóng vai trò chính trong việc gây sâu răng.
Mảng bám răng, vi khuẩn cùng với các loại thực phẩm hoặc đồ uống có chứa đường hoặc tinh bột (như sữa, bánh mì, bánh quy, kẹo, nước trái cây…) sản xuất ra các axit ăn mòn men răng và từ từ xâm nhập vào sâu trong răng nếu không có biện pháp can thiệp. Những nguyên nhân sau đã góp phần khiến mảng bám răng tích tụ và gây sâu răng hàm:
- Vệ sinh răng miệng kém: Không đánh răng thường xuyên hoặc không chải răng đúng cách sẽ khiến mảng bám tích tụ và tấn công men răng.
- Hình thành mảng bám: Mảng bám xuất hiện khi vi khuẩn, axit, hạt thức ăn và nước bọt kết hợp cùng nhau trong khoang miệng. Mảng bám này bám vào răng và tích tụ theo thời gian. Các axit trong mảng bám tấn công men răng và cuối cùng gây ra các lỗ trên răng của bạn, còn được gọi là sâu răng.
- Khô miệng: Nước bọt giúp rửa mảng bám trên răng. Nếu bạn bị khô miệng, biểu hiện là khoang miệng tiết rất ít nước bọt, mảng bám có thể tích tụ nhanh hơn.
- Ăn và uống: Việc ăn uống hàng ngày đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sâu răng. Khi bạn ăn uống, carbohydrate vẫn lưu lại trên răng cho đến khi bạn chải răng. Ngay cả sau khi đánh răng, bạn vẫn có thể không loại bỏ tất cả các hạt thức ăn hoặc carbohydrate khỏi răng của bạn, khiến nguy cơ sâu răng tăng cao.
- Vi khuẩn và axit: Trong khi hầu hết mọi người đều không muốn nghĩ về vi khuẩn và axit thì chúng vẫn sống trong miệng của bạn. Khi những vi khuẩn này tiêu hóa carbohydrate tồn tại trên răng, nướu và lưỡi, axit sẽ hình thành.
- Vấn đề y tế: Một số chứng bệnh (chẳng hạn như trào ngược dạ dày) khiến cho axit từ dạ dày chảy ngược ra miệng, lâu dần sẽ gây sâu răng. Tương tự như vậy, chứng cuồng ăn làm tăng nguy cơ sâu răng khi răng tiếp xúc với axit dạ dày (vì bạn bị bội thực nên dễ nôn mửa thường xuyên). Ngoài ra, một số loại điều trị ung thư khiến đầu và cổ bị nhiễm phóng xạ, ảnh hưởng đến quá trình tiết nước bọt, từ đó thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
Dấu hiệu và triệu chứng của sâu răng hàm
Khi sâu răng hàm tiến triển, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào dưới đây, hãy đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt:
- Đau: Đau là một trong những triệu chứng sâu răng phổ biến nhất.
- Răng nhạy cảm: Bạn sẽ cảm thấy ê buốt răng khi ăn hoặc uống thực phẩm nóng, lạnh, đồ ngọt, đồ chua.
- Xuất hiện mủ quanh răng: đây là triệu chứng sâu răng nghiêm trọng và rõ ràng nhất.
- Lỗ sâu hình thành trong răng: Đôi khi các lỗ chỉ được nhìn thấy nếu chụp X-quang nha khoa.
- Bề mặt của răng (cả trong lẫn ngoài) ngả màu nâu, đen.
Có nên nhổ răng hàm bị sâu không?
Nhổ răng là biện pháp cuối cùng dành cho răng hàm đã bị sâu quá nặng và không cứu chữa được. Nếu phải nhổ răng, bạn sẽ đối diện với nguy cơ mất răng vĩnh viễn, kéo theo những tác hại về mặt thẩm mỹ và sức khỏe như tiêu xương hàm, sai lệch khớp cắn và ảnh hưởng đến chức năng nhai.
Do đó, bạn hãy nhớ thăm khám nha sĩ định kỳ 6 tháng/ lần để có thể theo dõi và kịp thời phát hiện tình trạng sâu răng hàm để có được hướng điều trị phù hợp nhất.
Điều trị sâu răng hàm như thế nào?
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, nha sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp phổ biến là:
- Điều trị bằng fluoride: dành cho sâu răng hàm ở mức độ nhẹ. Fluoride sẽ giúp phục hồi men răng.
- Trám răng: Ở giai đoạn men răng mới bắt đầu bị ăn mòn, nha sĩ sẽ áp dụng biện pháp trám răng.
- Làm mão răng: Khi lỗ sâu răng rộng ra và răng yếu đi, bạn cần một mão răng để bọc lấy chiếc răng bị sâu.
- Lấy tủy: Ở giai đoạn sâu nặng hơn, đã ăn đến tủy, bạn bắt buộc phải nạo vét hết tủy răng để bảo toàn chiếc răng hàm. Sau khi lấy tủy răng, nha sĩ sẽ bọc răng sứ nhằm bảo vệ chiếc răng vốn đã chết.
- Nhổ răng: Nếu răng bị hư hại quá nặng, không còn cách nào khác là phải nhổ răng để không làm ảnh hưởng đến các răng chung quanh.
Lưu ý: Khi nhổ răng, để tránh gặp phải các tác hại khi mất răng, đặc biệt đối với răng hàm, bạn nên nhanh chóng tìm đến một phương pháp phục hồi răng hiệu quả. Tại Nha khoa Hoa Hồng Phương Đông, chúng tôi khuyến khích quý khách hàng sử dụng dịch vụ cấy ghép implant để đảm bảo phục hồi chức năng răng y như thật với độ bền dài lâu.
Ngăn ngừa sâu răng hàm
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với kem đánh răng có chứa fluoride. Tốt nhất, nên chải răng sau 30 phút kể từ bữa ăn và đặc biệt là trước khi đi ngủ.
- Làm sạch kẽ răng thường xuyên bằng chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ răng.
- Súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng có chứa fluoride. Nước muối sinh lý cũng được khuyến nghị sử dụng để giúp tiêu diệt vi khuẩn gây ra mảng bám.
- Có chế độ ăn uống bổ dưỡng và cân bằng, hạn chế ăn vặt. Tránh các thực phẩm giàu carbohydrate như kẹo, bánh quy, khoai tây chiên… vì chúng bám chặt trên bề mặt răng, khó làm sạch hết. Nếu cảm thấy thức ăn còn dính trên răng, bạn cần đánh răng ngay lập tức.
- Tham khảo ý kiến nha sĩ về chất trám răng (một lớp phủ bảo vệ bằng nhựa) để bảo vệ răng hàm khỏi bị sâu.
- Uống nước có chất fluoride (ít nhất 1 lít mỗi ngày) là cần thiết để bảo vệ bạn không bị sâu răng.
- Đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và có hướng điều trị các vấn đề răng miệng, trong đó có sâu răng hàm.
Các nhà nghiên cứu đang phát triển những phương tiện mới để ngăn ngừa sâu răng. Một nghiên cứu cho thấy một loại kẹo cao su có chứa chất làm ngọt xylitol tạm thời giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.
Ngoài ra, một số vật liệu giải phóng fluoride chậm theo thời gian, sẽ giúp ngăn ngừa sâu răng, cũng đang được khám phá. Những vật liệu này sẽ được đặt giữa răng hoặc trong các lỗ và khe nứt của răng. Kem đánh răng và nước súc miệng có thể đảo ngược và chữa lành quá trình sâu răng giai đoạn đầu cũng sắp xuất hiện trong tương lai gần.
Thời gian làm việc
- Thứ 2 - thứ 6: 08:00 - 19:00
- Thứ 7: 08:00 - 18:00
- Chủ nhật nghỉ
Hỗ trợ khách hàng
- Hotline 1: (+84) 908 321 455
- Hotline 2: (+84) 931 857 885
- Mobile: (+84) 8 3925 8778
- Phone: (+84)2 838 258 778
- info@dentalrose.net
- rosedentalclinicvn@gmail.com